Vài năm nay, gần như mỗi địa phương có thêm 1-2 trung tâm đăng kiểm được thành lập theo hình thức xã hội hóa.
Việc phát triển “nóng” các trung tâm đăng kiểm dẫn tới cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến chất lượng đăng kiểm phương tiện
Chỉ trong vòng 2 năm, các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa phát triển với số lượng lớn giúp người dân thuận lợi hơn khi đưa phương tiện đi đăng kiểm. Tuy vậy, ở một số địa phương việc tăng nhanh các trung tâm đăng kiểm xã hội hóa (XHH) dẫn đến dư thừa công suất, gây lãng phí đầu tư và nguy cơ cạnh tranh không lành mạnh.
Tăng sự lựa chọn cho dân
Anh Trần Quốc Huy, chủ hộ kinh doanh vận tải ở thị trấn Phố Mới (huyện Quế Võ, Bắc Ninh) kể, mấy năm trước, để đưa xe đi đăng kiểm phải đi vài chục cây số mới đến trung tâm đăng kiểm ở TP Bắc Ninh, TX Từ Sơn hoặc ngược về TP Hải Dương, còn bây giờ thoải mái lựa chọn.
“Ngay thị trấn Phố Mới cũng có một trung tâm đăng kiểm. Bên cạnh huyện Lương Tài, gần một năm nay cũng có thêm một trung tâm. Ngược về phía TX Chí Linh, Hải Dương cũng có một trung tâm, nên xe tiện hoạt động ở đâu tôi đăng kiểm ở đấy”, anh Huy nói và cho biết, do có nhiều sự lựa chọn nên trung tâm nào gây khó dễ, lần sau sẽ đến chỗ khác.
"Quy hoạch mạng lưới trung tâm đăng kiểm đến năm 2020 nhằm định hướng quản lý phát triển, còn khi địa phương quyết định cho phép xây dựng thêm trung tâm nên cần xem xét khả năng đáp ứng của đơn vị đã có, căn cứ theo sự tăng trưởng xe ô tô tại địa phương để đảm bảo phát triển hài hòa, tránh lãng phí đầu tư”.
Ông Mai Quốc Vinh nguyên Giám đốc một trung tâm đăng kiểm phía Bắc
|
Cũng theo anh Huy, các trung tâm đăng kiểm mới thành lập rất ít xe nên lần nào đưa xe đến cũng được kiểm định ngay. Thậm chí, có trung tâm đăng kiểm gọi điện tiếp thị, mời mọc, khác hẳn cảnh xếp hàng “dài cổ” như vài năm trước.
Tương tự, anh Lê Đức Chung, kinh doanh cho thuê xe ô tô tự lái tại thị trấn Phùng (Đan Phượng, Hà Nội) cho biết, hơn hai năm trước phải đưa xe 40 - 50km lên TX Sơn Tây mới có trung tâm đăng kiểm. Còn đi ngược vào nội thành cũng mất hơn 20km, đường sá đông đúc, chờ đợi lâu. Giờ ở huyện Hoài Đức, cách nhà chỉ gần chục km có trung tâm mới, nên rất thuận lợi. “Nếu xe đăng kiểm lần đầu không đạt quay về sửa chữa rồi đi đăng kiểm lại cũng tiện. Trước đây, nếu bị trượt, phải quay đi quay lại mấy chục cây số, vất vả lắm”, anh Chung nói.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, từ khoảng giữa năm 2015 đến nay, gần như mỗi địa phương có thêm 1 - 2 trung tâm đăng kiểm được thành lập theo hình thức xã hội hóa. Trong đó, một số địa phương tăng khá nhanh trung tâm hoặc số lượng dây chuyền kiểm định như: Hà Nội, Bắc Ninh, Nam Định...
Ông Ngô Hồng Hệ, Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới (Cục Đăng kiểm VN) cho biết, từ năm 2015 đến nay, có 46 trung tâm đăng kiểm được cấp thỏa thuận thành lập, trong đó 33 trung tâm đã đi vào hoạt động và 13 trung tâm đang xây dựng. Các trung tâm đăng kiểm và số lượng dây chuyền được thành lập mới đều được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, theo quy hoạch giai đoạn đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2030 đã được phê duyệt.
Chất lượng kiểm định có giảm?
Theo Cục Đăng kiểm VN, theo quy hoạch đến năm 2020, toàn quốc có 211 trung tâm đăng kiểm, với 451 dây chuyền kiểm định. Hiện, đã có 151 trung tâm và chi nhánh, với 302 dây chuyền kiểm định. Thời điểm này, nhiều địa phương đã có số trung tâm đăng kiểm bằng với quy hoạch đến năm 2020. Mặt khác, quy hoạch chỉ xác định theo địa giới hành chính cấp huyện, nên có những trung tâm mới nằm cách không xa trung tâm hiện có. Điều này phần nào gây ra thực tế là có trung tâm đăng kiểm mới hình thành rất ít xe đến đăng kiểm, khiến nguồn thu không đủ bù đắp chi phí hoạt động.
Đơn cử, tại khu vực Bắc Ninh, có trung tâm số lượng xe chỉ đạt 10 - 20 xe/ngày; Hay tại một số tỉnh như: Vĩnh Phúc, Phú Thọ số lượng xe đến trung tâm mới rất hạn chế. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu số lượng trung tâm đăng kiểm thành lập trong thời gian qua có quá nhanh, khiến nguồn cung đang vượt cầu?
Trả lời câu hỏi này, ông Ngô Hồng Hệ thẳng thắn cho rằng, thời gian qua có việc đầu tư trung tâm đăng kiểm giống như “trăm hoa đua nở” dẫn đến có địa bàn dư thừa công suất kiểm định. Dù vậy, nhiều địa phương vẫn đang đề nghị bổ sung thêm trung tâm đăng kiểm vào quy hoạch đến năm 2020 hoặc “lấy suất” của giai đoạn 2020 - 2030, nhưng Cục Đăng kiểm VN kiên quyết kiểm soát theo quy hoạch.
“Cục Đăng kiểm VN kiểm soát việc đầu tư xây dựng các trung tâm theo quy hoạch nên không thể từ chối nhà đầu tư đủ điều kiện, nhưng việc nhiều đơn vị ra đời trong thời gian ngắn cũng gây ra khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm soát chất lượng, phòng chống tiêu cực, nhũng nhiễu. Cục đang phải “căng người” để hậu kiểm, kiểm soát chất lượng kiểm định phương tiện trong hệ thống”, ông Hệ nói và thông tin trong 7 tháng đầu năm 2017 có 34 đăng kiểm viên và 2 trung tâm đăng kiểm bị đình chỉ vì vi phạm quy trình đăng kiểm.
Ông Hệ cũng cho rằng, khi xã hội hóa đầu tư, tất yếu là doanh nghiệp phải tính đến khả năng sinh lời cao nhất nên sẽ lựa chọn những vị trí có thể thu hút được xe. Điều này dễ dẫn đến hiện tượng trung tâm đăng kiểm đồng loạt được xây dựng ở trung tâm tỉnh.
Ông Mai Quốc Vinh, nguyên Giám đốc một trung tâm đăng kiểm ở phía Bắc cho biết, theo tính toán, một dây chuyền đăng kiểm đạt công suất kiểm định khoảng 7.000 xe/năm mới bảo đảm các chi phí hoạt động. Vì vậy, ở khu vực có sự gia tăng quá nhanh các trung tâm đăng kiểm, chắc chắn dẫn đến việc ít phương tiện đến kiểm định, khiến nguồn thu ít. Hệ quả là các trung tâm sẽ phải tìm mọi cách để cạnh tranh, thu hút phương tiện.
(Theo: www.baogiaothong.vn)